Sách còn là người thầy, người bạn là đôi cánh để cho chúng ta bay lên, sách cung cấp cho ta mọi sự hiểu biết trong cuộc sống. Chính vì thế, việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Đọc sách làm phong phú thêm kiến thức về khoa học, văn học, nghệ thuật, cũng như đời sống. Sách còn có tác dụng giải trí, giúp cho trẻ giải tỏa căng thẳng, áp lực trong học tập, giúp các em có thêm vốn từ ngữ, những bài học về giá trị sống và rèn luyện nhân cách.
Thật vậy, đọc sách có vai trò to lớn cho việc hình thành và phát triển trí tuệ, nhân cách con người. Việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà còn tạo thói quen tự học, tự nghiên cứu của trẻ, bên cạnh đó còn rèn cho trẻ những kĩ năng, tình cảm thói quen tự học, tự nghiên cứu có lợi cho trí não và sức khỏe. Việc đọc sách mang lại cho trẻ nhiều điều bổ ích mà không gì thay thế được. Ngày nay với nhiều phương tiện thông tin đại chúng giúp cho trẻ trau dồi kiến thức, vui chơi giải trí nhưng vẫn không thể hoàn toàn thay thế được việc đọc sách.
Có thể nói, đọc sách là một thói quen rất có ý nghĩa, rất tốt cho trẻ và được hình thành ngay từ cấp bậc mầm non. Để duy trì, phát triển văn hóa đọc giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa xã hội, hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức, hình thành nên nhân cách cho trẻ. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, trước những trang mạng xã hội tràn lan các thông tin lệch lạc, phiến diện thì việc đọc sách có chọn lọc sẽ rất bổ ích, giúp các em tiếp nhận thông tin một cách thiết thực, đa chiều.
Tại trường Mầm non Hoa Phước Vĩnh, nhà trường đã cũng đã khuyến khích các lớp xây dựng các góc thư viện tại lớp, hiện tại có 16/16 lớp có góc thư viện với nhiều loại sách truyện khác nhau phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. Nhờ vậy, trẻ dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong các giờ vui chơi trong lớp hay lúc chuyển hoạt động. Bên cạnh đó, để hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, tôi cũng đã xây dựng thêm một thư viện tại khu vực trường để làm sao luôn khuyến khích trẻ đọc sách ở mọi lúc mọi nơi, rèn cho trẻ thói quen và văn hóa đọc sách tại nhà trường. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các cô giáo của trường còn hướng dẫn cho các em các kỹ năng đọc sách cơ bản như cách cầm sách, cách lật trang sách…cũng như định hướng cho trẻ cách chọn lựa sách truyện theo kí hiệu, phân loại sách, xếp sách theo từng loại. Những cuốn sách bổ ích trang bị cho trẻ kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập.